Chào mừng quý khách đến với shop Lạc Việt, chúng tôi xin giới thiệu đến quý khách bộ tranh Tam Đa Phúc Lộc Thọ được chế tác từ chất liệu đá quý tự nhiên và tranh vẽ tay thủ công. Bức tranh Tam Đa Phúc Lộc Thọ có ý nghĩa phong thủy vô cùng minh , tượng trưng cho phúc khí dồi dào, tài lộc bền vững và sức khỏe trường thọ. Đây là món quà ý nghĩa cho gia đình, đối tác hoặc sử dụng để trang trí không gian sống lý tưởng.
Phúc Lộc Thọ, hay còn gọi là Phước Lộc Thọ, là một thuật ngữ quen thuộc trong văn hóa Trung Hoa nói riêng và nền văn hóa Phương Đông nói chung. Thuật ngữ này tượng trưng cho ba giá trị cốt lõi của một cuộc sống viên mãn: Phúc (những điều lành), Lộc (sự thịnh vượng) và Thọ (tuổi thọ). Tam đa là tên gọi chung chỉ 3 vị thần gồm ông Phúc, ông Lộc và ông Thọ. Có ý nghĩa xuất phát từ lời chúc may mắn trong văn hóa của người Việt. Đại diện cho “Đa Phúc”, “Đa Lộc”, “Đa Thọ” với mong muốn cầu chúc cho người thân, bạn bè nhận được nhiều may mắn, sức khỏe dồi dào, vạn sự hanh thông, phúc lộc ngập tràn.
Trong văn hóa Á Đông, hình tượng ba ông Phúc, Lộc, Thọ không chỉ đơn thuần là những bức tượng trang trí hay hình ảnh quen thuộc trong đời sống, mà còn ẩn chứa những giá trị tâm linh sâu sắc và những câu chuyện truyền thuyết đầy ý nghĩa. Vậy ba ông thần này có nguồn gốc từ đâu, tại sao họ lại trở thành biểu tượng cho một cuộc sống lý tưởng? Để hiểu rõ hơn, chúng ta cùng khám phá truyền thuyết về Tam Đa và ý nghĩa mà họ mang lại trong đời sống tinh thần của con người.
Câu chuyện về Phúc – Lộc – Thọ bắt nguồn từ thời vua Nghiêu Trung Quốc. Trong một lần du xuân thưởng ngoạn và thị sát vùng đất Hoa Phong để hiểu thêm nhân tình thế thái, nhà vua đã gặp và được 3 người tộc trưởng đại diện vùng đất bày tỏ lời chúc để thể hiện lòng thành kính trước bậc minh quân hiền đức. Vị thứ nhất chúc vua trường thọ, vua không nhận. Vị thứ hai, chúc Vua có thật nhiều vinh hoa phú quý, tài lộc, vua cũng không nhận. Vị thứ ba, chúc Vua có thật nhiều con trai nói dõi, toả phúc ấm cho cả Hoàng tộc. Nhưng vua chỉ ôn tồn mà nói rằng: “Vương triều huy hoàng như ngày nay đều là từ dân mà ra. Tất cả những thứ ta có được đều là từ nhân dân góp sức. Chính vì vậy, ta sẽ không nhận lời chúc này cho bản thân mình, ta muốn ban lời chúc này cho tất cả người dân. Để lời chúc ngắn gọn 3 điều đó thành Tam đa: Đa Phúc – Đa Lộc – Đa Thọ.” Kể từ đó, Tam Đa trở thành lời chúc tốt đẹp được lưu truyền trong nhân gian.
TRUYỀN THUYẾT VỀ ÔNG PHÚC
Ông Phúc tên thật là Quách Tử Nghi - là một vị tướng đời nhà Đường. Ông có xuất thân mang dòng dõi quý tộc, của cải, ruộng đất nhiều vô kể. Quách Tử Nghi nổi danh khá muộn, người ta chỉ biết đến ông khi được vua Đường Huyền Tông giao nhiệm vụ đi dẹp loạn An Sử năm 755, khi đó ông đã 59 tuổi. Đây được coi là một trong những phong trào nổi loạn lớn nhất lịch sử Trung Quốc, khiến nhà Đường suy yếu sau một thời gian dài phồn thịnh. Quách Tử Nghi trước sau nhất mực trung thành với triều đình, không tỏ ra kiêu ngạo. Dù thưởng phạt bất công nhưng ông không hề tỏ ý bất mãn, mặt khác lại được tướng sĩ hết lòng vì biết cách đối nhân xử thế.
Theo Secret China, mối quan hệ giữa hoạn quan Ngư Triều Ân và nguyên soái Quách Tử Nghi diễn ra căng thẳng hơn những gì thực tế. Bề ngoài, ông luôn tránh va chạm với những người luôn đố kỵ với chiến công và sự sủng ái của vua dành cho ông. Nhưng Ngư Triều Ân thì không, hoạn quan nhà Đường được cho là thuê người đi phá hoại phần mộ của cha Quách Tử Nghi, sử sách Trung Quốc chép. Vua Đường Đại Tông từng lo đến chuyện Tử Nghi dấy binh làm phản. Quách Tử Nghi nói rằng, mộ phần tổ tiên bị đào bới là chuyện nhà, nếu như dấy binh tạo phản, thì lại liên quan đến an nguy của đất nước. Đại trượng phu nên lấy quốc sự làm trọng. Quách Tử Nghi cố nén đau đớn và phẫn hận, cho rằng chuyện như vậy là do mình bị trời phạt. Ông khóc trước phần mộ tổ tiên rằng: “Đây nhất định là bởi ta tội nghiệt sâu nặng, chọc giận Ngọc Đế, nên cố ý để cho ta mang lấy tội danh bất trung bất hiếu này!”. Nhờ cách sống khoan dung độ lượng, biết suy nghĩ thấu đáo mà Quách Tử Nghi phục vụ trong 4 đời vua Đường. Ông qua đời năm 85 tuổi, giúp con cháu, gia tộc được hưởng nhiều vinh hoa, phú quý. Người Trung Quốc về sau cảm phục trước công lao và tấm lòng của Quách Tử Nghi, tôn ông làm Ông Đa Phúc trong bộ ba Tam Đa “Phúc-Lộc-Thọ” nổi tiếng. Quách Tử Nghi xuất thân trong gia đình quý tộc, nhưng cả đời gắn bó với binh nghiệp, đích thân dẫn quân ra trận. Ông được đánh giá là sống rất liêm khiết, thẳng ngay, không vì vinh hoa, phú quý mà làm mất nhân cách. Cuộc đời viên mãn của Quách Tử Nghi được người đời sau ở Trung Hoa coi là một tấm gương để học theo.
TRUYỀN THUYẾT VỀ ÔNG LỘC
Theo quan niệm dân gian Việt Nam, xuất thân ông Lộc là Đậu Từ Quân, giữ chức Thừa tướng của nhà Tấn, Trung Quốc. Nhà Tấn là một triều đại ngắn ngủi trong lịch sử Trung Quốc, do Tư Mã Viêm thành lập sau thời kỳ Tam Quốc nổi tiếng. Đậu Từ Quân tuy chức cao quyền trọng, nhưng thực chất lại là một đại quan tham. Ông này đặc biệt thích được hoàng đế ban thưởng. Chưa đủ, Đậu Từ Quân còn ra sức nhận hối lộ từ việc mua quan bán tước, chạy chọt lợi ích cho người thân. Tài sản trong nhà Đậu Từ Quân chất cao như núi, nhưng tuyệt nhiên, ông ta không tham ô, bòn rút của công, chỉ thích được người khác mang của nả đến biếu. Dù sống trong cảnh giàu sang tột cùng, nhưng Đậu Từ Quân vẫn có một nỗi phiền muội, đó là chưa có cháu đích tôn. Vì lo lắng buồn rầu nhiều, Đậu Từ Quân dần sinh bệnh mà mất. Trước khi qua đời, ông ta than rằng: “Lộc ta để cho ai bây giờ? Ai giữ ấm chân nhang cho tổ tiên, cho bản thân ta?” Vì là người sở hữu khối tài sản cực lớn, sống ngập trong phú quý cho đến cuối đời, nên Đậu Từ Quân được dân gian tôn làm ông Lộc. Tuy nhiên, vì Đậu Từ Quân hiếm muộn cháu đích tôn, nên khi tạc tượng hay vẽ hình, ông Lộc là người duy nhất trong Tam Đa không được miêu tả đứng gần trẻ con.
Theo quan niệm của người Trung Quốc, thân thế của ông Lộc lại phức tạp hơn rất nhiều. Nhiều người Trung Quốc cho rằng, xuất thân của ông Lộc là Triệu Công Minh, giữ chức nguyên soái dưới thời nhà Thương. Triệu Công Minh phò Trụ Vương chống lại Chu Vũ Vương, nhưng thất bại và tử trận. Trong tác phẩm nổi tiếng Phong thần diễn nghĩa, Triệu Công Minh là người có tài phép, cưỡi một con cọp đen. Triệu Công Minh thường giả dạng làm kẻ ăn mày, đến nhà những người giàu có, xin cơm thừa canh cặn, áo quần. Nhưng ông không xin cơm áo cho bản thân, mà dùng chúng để ban phát cho những người nghèo khổ. Sau khi Triệu Công Minh bị Khương Tử Nha tiêu diệt, ông được phong thần và trở thành ông Lộc hay thần tài.
Cũng có thuyết cho rằng, Phạm Trọng Yêm là do thần Văn Xương chuyển thế. Theo quan niệm của Đạo giáo, Văn Xương là vị thần chuyên cai quản công danh, tiền tài của thiên hạ. Vì là vị thần tượng trưng cho tài lộc, nên ông Lộc được dân gian suy tôn, thờ phụng rộng rãi từ rất sớm. Chính vì điểm này, có khá nhiều những câu chuyện khác nhau được dân gian truyền tụng về thân thế của ông Lộc.
Tuy nhiên, tựu trung, tất cả đều thể hiện ông Lộc có xuất thân từ chốn quan trường, sở hữu khối tài sản lớn. Vì vậy, trong các tác phầm điêu khắc, hội họa, ông Lộc thường được miêu tả với quan phục, đầu đội mũ quan, tay cầm một chiếc hốt ngọc (vật dụng của quan lại khi lên chầu hoàng đế) lớn. Ông Lộc cũng gắn liền với hình ảnh con hươu, trong tiếng Trung Quốc, từ “hươu” phát âm giống với từ “lộc”.
TRUYỀN THUYẾT VỀ ÔNG THỌ
Theo dân gian, ông Thọ thực chất là hóa thân của Đông Phương Sóc - một sủng thần dưới triều Hán Vũ Đế. Sử ký Tư Mã Thiên chép, Đông Phương Sóc là người Sơn Đông, sinh năm 154 TCN mất năm 93 TCN, thọ 61 tuổi. Tuy nhiên, theo dân gian lưu truyền, ông sống tới 125 tuổi. Chính vì điểm này, cùng với tính cách, tài trí và những sự tích lưu truyền, đã khiến Đông Phương Sóc được tôn làm ông Thọ, trở thành một trong ba vị phúc thần nổi tiếng.
Theo cuốn Thái Bình Quảng ký, Đông Phương Sóc là sao Mộc trên trời hạ phàm, bởi vậy không điều gì không biết. Ông cũng nhiều lần sử dụng mưu lược của mình, can gián Hán Vũ Đế tránh xa những thói ăn chơi, hưởng lạc một cách sâu cay, hài hước. Giai thoại về Đông Phương Sóc còn lưu lại rất nhiều trong dân gian. Nổi tiếng nhất là chuyện Đông Phương Sóc nhận lệnh của Hán Vũ Đế, lên thiên đình hái trộm đào tiên của Tây Vương Mẫu. Vì sự tích này, hình ảnh của ông Thọ thường gắn liền với quả đào rất lớn, biểu tượng của sự trường thọ. Sau khi Đông Phương Sóc mất, ông được dân gian tôn làm Thọ Tinh hay ông Thọ, trở thành một trong ba vị thượng đẳng phúc thần.
Trung Quốc từ xưa đã là một đất nước kính trọng người lớn tuổi, ngày nay ở Trung Quốc rất nhiều nơi vẫn còn tục lệ như mừng thọ người cao tuổi. Thời xưa, người ta thường tự tổ chức lễ mừng thọ ở nhà: dựng thọ đường, treo bức trướng lớn màu đỏ mừng thọ, trên bàn bày mì trường thọ, quả trường thọ, và dùng bột mì hoặc bột gạo làm thành “quả đào trường thọ”. Khi người thân, bạn bè đến mừng thọ, họ cũng sẽ tặng “đào trường thọ”, thậm chí trong lời hát mừng thọ cũng nhắc đến “đào trường thọ”.
Vậy tại sao quả đào lại đóng vai trò quan trọng như vậy trong lễ mừng thọ? Điều này có lẽ liên quan đến tín ngưỡng của người xưa đối với cây đào và truyền thuyết về Tây Vương Mẫu tặng đào cho Hán Vũ Đế. Truyền thuyết kể rằng Hán Vũ Đế tôn sùng tiên đạo, nên Tây Vương Mẫu đã phái sứ giả đến báo cho ông biết ngày nào giờ nào bà sẽ đến. Vào lúc 7:00 giờ tối ngày 7 tháng 7, Tây Vương Mẫu cưỡi mây đến phía tây cung điện của Hán Vũ Đế. Có ba con chim xanh đứng bên trái và bên phải của Tây Vương Mẫu. Tây Vương Mẫu tặng cho Hán Vũ Đế năm quả đào lớn và nói với ông rằng: “Đây là loại quả tiên ba ngàn năm mới kết trái một lần”. Tặng đào ở đây có ý nghĩa ban tặng sự trường thọ. Đây cũng chính là lý do tại sao ngày nay trong lễ mừng thọ người cao tuổi người ta thường bày đào trường thọ, tặng đào trường thọ.
Và cũng có thể lý giải lý do hình tượng Ông Thọ luôn cầm trái đào trên tay. Quả đào tiên, biểu tượng của sự trường thọ và phúc lành, không chỉ là món quà đặc biệt từ cõi tiên mà còn trở thành hình ảnh thiêng liêng, đại diện cho lời chúc sống lâu và mạnh khỏe. Chính điều này đã gắn bó chặt chẽ quả đào với ông Thọ trong văn hóa Á Đông.
Truyền thuyết dân gian: Ba vì sao chiếu sáng đón năm mới đến
Lỗi giao diện: file 'snippets/shortcode-ChanhKien.org.bwt' không được tìm thấy